Vui lòng kiểm tra email để xác minh tài khoản. Nếu bạn không thấy email, vui lòng kiểm tra trong thư mục spam.
Vui lòng kiểm tra email để xác minh tài khoản. Nếu bạn không thấy email, vui lòng kiểm tra trong thư mục spam.
Nhắc đến ngành quản trị du lịch lữ hành có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến cụm từ Hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên xét trên góc độ doanh nghiệp, du lịch bao gồm rất nhiều khâu và mỗi khâu lại đảm nhận những công việc hoàn toàn khác nhau, trong đó Hướng dẫn viên du lịch chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số các công việc có thể làm tại ngành này. Về cơ bản du lịch có 7 nhóm việc chính sau:
Trái ngược với hướng dẫn viên du lịch, những người quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi, áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt. Có thể nói đây là công việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch.
Với các nhà quản lý doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch (ví dụ như Quản lý nhà hàng, khách sạn…), ngoài kiến thức chung về du lịch và quản lý, họ còn cần có chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo nhân viên và các bộ phận dưới quyền.
Nhiệm vụ chính của những người điều hành du lịch (ví dụ Điều hành tour,...) là phân công việc cho các hướng dẫn viên, tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc. Bên cạnh đó họ còn có nhiệm vụ điều phối những người điều khiển phương tiện đưa đón và phục vụ khách (nếu có).
Mặc dù người điều hành du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng thoải mái nhưng hay phải chịu áp lực khá lớn với lượng thông tin khổng lồ đổ về từ các tour, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch.
Nhân viên marketing du lịch là những người đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để có hướng phát triển phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn.
Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành các nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng chương trình quảng bá cho từng sản phẩm du lịch với các mức giá cả, chất lượng để khách hàng dễ tiếp cận và chọn lựa.
Công việc này đòi hỏi sự di chuyển thường xuyên để giao dịch với khách hàng, đối tác nên phù hợp với những bạn trẻ năng động. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, marketing đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các doanh nghiệp du lịch vì thị hiếu, tâm lý khách hàng ngày một phức tạp và thị trường trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Hơn nữa với công việc này, những bạn học về marketing (mà không phải ngành du lịch) cũng có thể làm được, chỉ cần có sự nhanh nhạy và đam mê khám phá thị trường du lịch.
Công việc kế toán lữ hành chủ yếu là lên kế hoạch chi phí, dự chi ngân sách, kiểm duyệt các khoản chi trong tour, lập danh sách khách du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tour, quản lý, theo dõi tour và thu thập các chứng từ liên quan… Từ đó lập các báo cáo về chi phí, hiệu quả tour và quyết toán thuế của doanh nghiệp vào cuối kỳ.
Công việc này đòi hỏi không chỉ chuyên môn về du lịch mà còn cả kế toán và khả năng làm việc linh hoạt, chính xác với các con số, vì chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp. Tuy nhiên với những bạn đã có sẵn niềm yêu thích với ngành kế toán, làm việc trong lĩnh vực du lịch rất thú vị và đáng để thử thách bản thân.
Đây chính là công việc hay được các bạn nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành du lịch. Nhiệm vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu (hoặc liên hệ với người giới thiệu) tại các điểm du lịch, quản lý việc ăn, nghỉ, đi lại và đảm bảo sự an toàn cho khách trong suốt chuyến đi, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm để được hướng dẫn…
Hướng dẫn viên du lịch không cần ngoại hình quá xuất sắc, quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu rộng, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt, sức khỏe dẻo dai và tâm lý ổn định.
Hướng dẫn viên du lịch có thể làm việc cho các công ty du lịch, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành, các đơn vị quản lý tài nguyên du lịch hay các trung tâm nghiên cứu, ban quản lý di tích, danh thắng, vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên.
Công việc chính của nhân viên lễ tân là nhận điện thoại, trả lời các thông tin liên quan đến doanh nghiệp mình, tiếp đón khách, nhận thông tin về yêu cầu của khách, kiểm tra xem các dịch vụ có đáp ứng đúng yêu cầu của khách không và giúp khách trong các việc điện thoại, nhận và ký gửi đồ, thanh toán… Những công việc này đều yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế nhất định và phù hợp.
Nhân viên lễ tân thường yêu cầu ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhạy, nghe hiểu đúng thông tin từ khách, giao tiếp chính xác, rõ ràng, khéo léo, và đặc biệt là phải biết ít nhất một ngoại ngữ để đón tiếp khách nước ngoài.
Sau khi chứng minh được năng lực và có đủ kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý lễ tân, chịu toàn bộ trách nhiệm về các vấn đề ở bộ phận lễ tân.
7. Phục vụ bàn, bar, buồng, bếp
Thông thường các bữa ăn, bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn đều do các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhận. Một bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn không chỉ phải thể hiện sự sang trọng, chuẩn mực của bài trí, sắp xếp, mà trình tự phục vụ khách cũng phải khéo léo, hấp dẫn, thể hiện cả chiều sâu văn hóa lẫn mục đích của bữa tiệc. Màu sắc, hương vị từng món ăn, nghệ thuật phục vụ, cho đến từng đoá hoa bài trí trên bàn tiệc, từng nếp gấp tinh tế của chiếc khăn ăn như chúng ta thấy đều là kết quả công việc của những nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế và các đầu bếp.
Bên cạnh đó công việc buồng phòng cũng không hề đơn giản. Các buồng, phòng, nhất là những nơi đạt tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi rất nghiêm ngặt về sự sạch sẽ, thoáng mát cùng cách sắp đặt hợp lý, có thẩm mỹ, thậm chí là theo “gu” của từng đối tượng khách. Không chỉ vậy, nhân viên buồng phòng còn phải kịp thời và nhanh chóng phục vụ khách, hướng dẫn khách tận tình.
Ngoài ra, trong ngành du lịch còn nhiều công việc khác như chăm sóc khách hàng, chăm sóc sức khỏe, bán hàng lưu niệm, tổ chức vui chơi giải trí, đảm bảo an ninh tại các khu du lịch, nhân viên bảo trì hệ thống, giáo dục môi trường du lịch, nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch…
Tự hào một làng nghề truyền thống
Theo người dân sinh sống lâu đời ở đây cho biết, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Non Nước có cách đây gần bốn thế kỷ. Ông tổ của nghề này là một người quê gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá ở xứ Thanh vào Đà Nẵng. Ban đầu, số người biết nghề làm đá không nhiều. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá. Rồi dần dần những sản phẩm mỹ nghệ bằng cẩm thạch từ chân núi Non Nước cứ chu du khắp nơi, làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng từ đó mà nổi tiếng không ngừng.
Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật, không chỉ điêu khắc văn bia mà còn tạo tác các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các linh vật Long, Lân, Quy, Phượng, các Phật Thánh Tiên Thần mang tính chất văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tại các đền, chùa, lăng, miếu. Tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, hay mai, lan, cúc, trúc... Qui mô sản xuất của làng nghề ngày càng được mở rộng, thu hút hàng ngàn lao động có tay nghề khá. Nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Nhiều sản phẩm được lưu truyền từ đời này sang đời khác Mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cẩn mẩn. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện một tình yêu vô định với những tảng đá vô tri, tình yêu với cái nghề truyền thống bao đời của cha ông. Lúc đầu kỹ thuật chế tác đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn chỉ được đào tạo theo kiểu truyền nghề và chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng dần dần về sau, do nhu cầu phát triển nhiều nghệ nhân đã mở các lớp đào tạo tại chỗ và có những người đã cho con cái theo học các trường đại học mỹ thuật trong nước. Nhiều nghệ sĩ đã chuyên sâu sáng tác kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.
Hiện nay, không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới cũng đã biết đến sản phẩm đá mỹ nghệ của làng nghề truyền thống đá Non Nước. Rất nhiều thương gia hoặc khách du lịch từ Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Pháp, Canađa, Hà Lan, Mỹ... đã đến ký hợp đồng đặt mua các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong đó có người mua với trị giá hàng trăm ngàn USD. Sản phẩm của làng nghề trở thành các mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, đóng góp khoản ngân sách đáng kể vào tiềm năng kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Hiện nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có hơn 20 doanh nghiệp, 430 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ với hơn 4.500 lao động. Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết được việc làm cho nhiều người, đặc biệt là nông dân trên địa bàn bị thu hồi đất với thu nhập bình quân lao động từ 2-3 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã chú trọng đầu tư máy móc thiết bị để giảm bớt sức lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hầu hết là đầu tư thiết bị ở công đoạn phôi, thiết kế tạo hình, mài bóng… Việc kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và công nghệ truyền thống luôn được làng nghề quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP. Đà Nẵng, sự phát triển làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn còn mang tính tự phát, các cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa khép kín, thiếu tập trung, thiếu hệ thống thu gom nước thải và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hiện làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Người dân sử dụng axít để tẩy rửa sản phẩm, xả thẳng ra khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng đối với môi trường sinh thái của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường du lịch, cảnh quan đô thị. Tình trạng tranh mua, tranh bán, nhái kiểu dáng, chất lượng sản phẩm bị lai tạp đang làm giảm giá trị sản phẩm và uy tín của làng nghề.
Bên cạnh đó, nhận thức về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp của nhiều hộ sản xuất kinh doanh tại đây còn rất hạn chế. Làng nghề chỉ mới có logo chung, nhưng chưa có quy chế sử dụng logo này nên tác dụng quảng bá, xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế. Ngoài logo chung của làng nghề, hiện chỉ có một ít cơ sở có đăng ký sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu riêng, logo riêng của mình.Về quy mô sản xuất, làng nghề chỉ phát triển đơn thuần, theo kiểu truyền thống, làm ăn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết với nhau. Hội Làng nghề tuy đã được thành lập nhưng lại đang thiếu nguồn lực nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Với mục tiêu phát triển làng nghề theo hướng mở rộng và phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống TP Đà Nẵng, trong đó xác định trọng tâm là phát triển làng nghề truyền thống đá Non Nước. UBND Q.Ngũ Hành Sơn cũng đã đề ra định hướng từ nay đến năm 2020 sẽ quy hoạch lại làng nghề theo hướng mở rộng và phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra, giới thiệu mặt hàng với các đối tác trong và ngoài nước; phấn đấu đạt tốc độ tăng sản phẩm bình quân đạt 30%/năm. Trước mắt, UBND Quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch lại làng nghề mới rộng 47 héc ta tại khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải nằm cách xa khu dân cư và khu dân thắng Ngũ Hành Sơn.
Trong tương lai Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn và làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước sẽ được xây dựng thành công viên văn hoá lịch sử. Để dự án sớm triển khai thì yêu cầu di chuyển làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước càng trở nên cấp thiết. Đây là cơ sở để sắp xếp, ổn định sản xuất làng đá gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường theo xu hướng xây dựng thành phố thân thiện với môi trường. Có như vậy mới đáp ứng nguyện vọng của bà con làng nghề và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Việc cần làm ngay là UBND TP. Đà Nẵng cần có những chính sách sách huy động nguồn lực nhằm mục tiêu xây dựng khu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước trở thành làng nghề sinh thái. Khuyến khích phù hợp cho các doanh nghiệp làng nghề cũng như các chủ cơ sở đầu tư, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bởi vì, môi trường trong làng nghề chỉ có thể giải quyết tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước với từng hộ sản xuất kinh doanh.